Anh Lưu Quang Vũ, Trưởng phòng Quản lý đào tạo tại Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên, nhận Học bổng Chính phủ Australia năm 2024 để học chương trình Thạc sĩ Giáo dục tại Đại học La Trobe. Anh là cán bộ quản lý trường nghề đầu tiên giành được Học bổng Chính phủ Australia trong 5 năm qua.
Anh Lưu Quang Vũ chia sẻ hành trình học bổng của mình với báo Dân Trí.
———————–
Cán bộ trường nghề nhận học bổng Chính phủ Australia bậc thạc sĩ
(Dân trí) – Vượt qua nhiều ứng viên, anh Lưu Quang Vũ, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên sẽ theo học Thạc sĩ giáo dục chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý tại Trường Đại học La Trobe, Australia.
Đây là học bổng quốc tế danh giá do Chính phủ Australia tài trợ toàn phần nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực. Anh Lưu Quang Vũ là cán bộ quản lý trường nghề đầu tiên nhận học bổng này trong 5 năm qua.
Anh có thể chia sẻ cảm xúc khi nhận Học bổng Chính phủ Australia niên khóa 2024?
– Trước hết tôi rất phấn khởi và tự hào khi được trao Học bổng Chính phủ Australia cho Chương trình Thạc sĩ giáo dục (chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý) tại Trường Đại học La Trobe, Australia.
Bên cạnh đó, tôi rất háo hức khi sắp được khám phá, trải nghiệm cuộc sống tại Australia, một đất nước tươi đẹp phát triển, và đa văn hóa.
Anh Lưu Quang Vũ cùng ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam trong Buổi lễ trao Học bổng Chính phủ Australia (Ảnh: Aus4Skills).
Cơ duyên nào giúp anh biết đến học bổng này?
– Học bổng Chính phủ Australia ưu tiên cho nhóm đối tượng thuộc vùng khó khăn về kinh tế.
Điện Biên là một tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn, vì vậy cán bộ của chương trình học bổng đã tới trực tiếp Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên để giới thiệu về học bổng.
Sau khi nghe các thông tin về học bổng, tôi nhận thấy tham gia dự tuyển sẽ là một cơ hội lớn đối với tôi và các giáo viên ở trường để tiếp tục được học tập sâu hơn về quản trị giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Do đó, tôi đã chuẩn bị hồ sơ dự tuyển ngay sau buổi giới thiệu về học bổng hồi tháng 2/2023.
Đâu là động lực chính giúp anh quyết tâm làm hồ sơ đăng ký học bổng?
– Trường tôi đang công tác – Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện là 1 trong 16 trường thụ hưởng của dự án “Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp Logistics trong giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam” thuộc Chương trình hợp tác phát triển nguồn nhân lực 10 năm (2016-2025) giữa Chính phủ Australia và Việt Nam (Aus4Skills).
Qua quá trình tham gia dự án, nhà trường đã có nhiều thay đổi, các nhà giáo được phát triển chuyên môn, nhất là về phương pháp đào tạo và đánh giá, nhà trường đạt nhiều kết quả tích cực về gắn kết doanh nghiệp, đổi mới chương trình đào tạo, hòa nhập, kiểm định chất lượng.
Do đó, khi biết đến học bổng này, tôi mong muốn có cơ hội được học tập bài bản và tìm hiểu sâu hơn về chuyên môn quản lý giáo dục để phục vụ cho công tác của mình, tiếp tục tạo ra những thay đổi lớn hơn.
Anh có thể nói qua về chương trình học Thạc sĩ mà anh đã đăng ký và mong muốn ứng dụng các kiến thức kỹ năng học được như thế nào?
– Qua tìm hiểu chương trình đào tạo Thạc sĩ giáo dục (chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý) của Trường Đại học La Trobe, tôi rất hứng thú với một số môn học được thiết kế trong chương trình như Quản lý và Chính sách giáo dục quốc tế; Giới và giáo dục; Lãnh đạo, đa dạng và hòa nhập. Ngoài ra, chương trình còn thiết kế một số nội dung cho người học tự chọn ở kỳ học cuối. Tôi dự định sẽ đề xuất được đi thực tế tìm hiểu một số trường cao đẳng nghề của Australia trong học kỳ đó để được học tập những kỹ năng quản trị giáo dục nghề nghiệp tiên tiến của Australia.
Anh Lưu Quang Vũ bắt đầu hành trình học Thạc sĩ giáo dục (chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý) của Trường Đại học La Trobe (Ảnh: Aus4Skills).
Tôi muốn ứng dụng kiến thức tôi sẽ được học tại Úc để thiết kế mới, điều chỉnh, bổ sung những chương trình đào tạo tại Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên. Trong đó có tính đến yếu tố bình đẳng giới, hòa nhập xã hội cho người khuyết tật, hỗ trợ người nghèo, và đặc biệt quan tâm đến trên 90% đối tượng học sinh, sinh viên của Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên là người dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, tôi muốn vận dụng kiến thức, kỹ năng và cả các kinh nghiệm làm việc với chuyên gia Úc để tư vấn cho Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên và cao hơn là tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, với các nhà hoạch định chính sách của tỉnh để xây dựng, ban hành những chính sách đào tạo nghề phù hợp cho tỉnh Điện Biên.
Anh có thể chia sẻ những thuận lợi và khó khăn gặp phải trong quá trình ứng tuyển học bổng?
– Đối với việc nộp hồ sơ học bổng, khi có bất kỳ băn khoăn, tôi đều có thể liên hệ với cán bộ phụ trách học bổng của Aus4Skills và được giải đáp kịp thời. Sau khi cán bộ học bổng trực tiếp đến Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên để cung cấp thông tin, tôi tìm hiểu kỹ hơn về các chính sách của học bổng và thấy có rất nhiều chế độ hỗ trợ các ứng viên thuộc vùng có nhiều nhóm đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống giống như tỉnh Điện Biên.
Tôi thấy khó khăn lớn nhất là trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo trường nghề còn chưa cao. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin về Học bổng Chính phủ Australia ở một số trường nghề còn hạn chế. Theo chia sẻ của những đồng nghiệp mà tôi quen biết ở một số trường nghề, dường như họ hiểu Học bổng của Chính phủ Australia chỉ dành cho giảng viên các trường đại học và cán bộ viện nghiên cứu. Theo tôi, chương trình học bổng nên tiếp tục quảng bá thông tin đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Các sinh viên Việt Nam đạt Học bổng Chính phủ Australia nhập học năm 2024 (Ảnh: Aus4Skills).
Anh có khuyến nghị nào đối với cấp nhà trường, quản lý để giáo viên trường nghề có cơ hội tiếp cận học bổng?
– Tôi cho rằng, sự quan tâm, khích lệ cán bộ quản lý, nhà giáo nâng cao trình độ, kỹ năng của cấp lãnh đạo các trường nghề là điều kiện tiên quyết để đội ngũ cán bộ, nhà giáo trường nghề có cơ hội tiếp cận các học bổng như Học bổng Chính phủ Australia mà tôi vừa trúng tuyển.
Anh có chia sẻ gì với các cán bộ, nhà giáo trường nghề để đăng ký học bổng này?
– Các nhà giáo trường nghề trước hết cần nâng cao trình độ tiếng Anh của mình để đáp ứng yêu cầu tối thiểu khi đăng ký học (yêu cầu về điểm IELTS được quy định theo từng nhóm đối tượng nhưng tối thiểu là 5.0). Đối với một số nhóm ứng viên, trong đó có ứng viên thuộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học bổng sẽ tiếp tục hỗ trợ để ứng viên đã được tuyển chọn sau vòng phỏng vấn được tham gia một khóa học tiếng Anh tại Việt Nam để nâng cao trình độ, từ đó đạt điểm IELTS tối thiểu để học thạc sĩ tại Australia là 6.5.
Ngoài ra, các nhà giáo trường nghề cũng cần tranh thủ sự ủng hộ của cấp lãnh đạo nhà trường về việc học tập nâng cao trình độ quản lý, kỹ năng giảng dạy của bản thân mình. Các nhà giáo nên chủ động tìm hiểu thông tin về học bổng, sau đó báo cáo cấp lãnh đạo nhà trường xin phép được tham gia ứng tuyển.