(Dân trí) – Tháng 6 này, 55 tân học viên Việt Nam sẽ lên đường sang Australia tham gia khóa đào tạo Thạc sĩ theo chương trình Học bổng toàn phần Chính phủ Australia.
Những học viên xuất sắc này đều đến từ cơ quan Nhà nước cấp Trung ương và địa phương, các tổ chức phi chính phủ, cơ quan học thuật hoặc doanh nghiệp tư nhân. Họ sẽ được đào tạo trong nhiều lĩnh vực giúp cho sự phát triển lâu dài của Việt Nam, như quản lý tài nguyên thiên nhiên, khởi nghiệp, bình đẳng giới, hòa nhập người khuyết tật và quản lý giáo dục nghề nghiệp.
Để giành được học bổng danh giá từ Chính phủ Australia, các ứng viên trước đó đã trải qua 2 vòng gồm nộp hồ sơ và phỏng vấn. Hội đồng xét duyệt, lựa chọn dựa trên trình độ chuyên môn, năng lực cá nhân, thành tích học tập và khả năng tạo ảnh hưởng trong những thách thức về phát triển của Việt Nam.
Nỗ lực “săn” học bổng và mơ ước góp sức phát triển ngành thủy sản
Nguyễn Hữu Huy Hoàng (sinh năm 1996) là một trong số 55 tân học viên xuất sắc nhận học bổng toàn phần từ Chính phủ Australia năm nay. Hoàng hiện làm việc tại Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, tới đây sẽ theo học ngành Khoa học và Quản lý nguồn lợi biển tại Đại học James Cook, Australia.
Nguyễn Hữu Huy Hoàng là một trong 55 tân học viên xuất sắc nhận học bổng toàn phần từ Chính phủ Australia năm nay.
“Biết đến chương trình học bổng Chính phủ Australia từ lâu, Hoàng cho biết giành được học bổng này là mục tiêu quan trọng mà anh hướng tới. “Đây là học bổng rất tốt cho sự phát triển cá nhân, đặc biệt với người đang làm trong ngành thủy sản như mình. Australia là đất nước có sự phát triển mạnh về ngành thủy sản, nên mình rất mong được đến nơi này học tập để cải thiện khả năng, kiến thức, các bài học kinh nghiệm và mối quan hệ chuyên môn, sau đó về Việt Nam tiếp tục triển khai các dự án cải thiện nghề cá”, Hoàng chia sẻ.
Mỗi năm, có rất nhiều hồ sơ xin Học bổng Chính phủ Australia, tuy nhiên số ứng viên được lựa chọn rất ít. Hoàng tâm sự, anh mất khoảng 2-3 tháng để chuẩn bị hồ sơ. Kinh nghiệm anh rút ra cho vòng này là phải tìm ra điểm liên kết giữa điều Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam cần, từ đó xây dựng hồ sơ của bản thân, có định hướng, mục tiêu rõ ràng.
“Nên viết bài luận làm sao để vừa giải đáp việc mình cần gì, vừa giải đáp được Chính phủ Australia cần gì, Chính phủ Việt Nam cần gì, sự ngoại giao của Australia và Việt Nam đang liên quan đến những vấn đề nào. Hòa hợp tất cả nội dung trên thì hồ sơ sẽ mạnh hơn, thuyết phục Hội đồng hơn. Mình thấy có một sai lầm nhiều bạn hay gặp phải là chỉ tập trung trình bày điều các bạn mong muốn mà không thể hiện rõ được cả 2 chiều: Mình cần gì ở họ? Họ cần gì ở mình?”, Hoàng nói.
Khó khăn rất lớn Hoàng cũng như nhiều ứng viên gặp phải trong suốt quá trình làm hồ sơ là phải sắp xếp, cân đối giữa thời gian làm việc và thời gian chuẩn bị hồ sơ. Thời điểm nộp hồ sơ xin học bổng, anh cũng đang tất bật với rất nhiều dự án về thủy sản, phải di chuyển liên tục, khối lượng công việc lớn. “Nếu không quản lý được lộ trình làm hồ sơ một cách khoa học, bạn vừa có thể gặp rắc rối với deadline trong công việc đang làm, vừa có nguy cơ tới gần hạn nộp vẫn chưa hoàn chỉnh được hồ sơ. Do đó, những bạn đang muốn nộp học bổng nên có kế hoạch từ trước và sắp xếp các đầu việc thật hợp lý”, Hoàng tâm sự.
Một khó khăn khác là việc bí ý tưởng khi viết bài luận. Theo Hoàng, yêu cầu của bài luận là 2.000 ký tự thay vì 2.000 chữ, một dấu cách cũng tính là một ký tự. Điều này đòi hỏi ứng viên khi viết luận phải dùng được những câu vừa diễn đạt rõ ý, vừa xúc tích, dễ hiểu. Kinh nghiệm Hoàng rút ra để đáp ứng tốt nhất yêu cầu này là phải có thời gian dài chuẩn bị, viết rồi đọc lại, sửa từng câu chữ, nếu gấp gáp sẽ rất khó.
Nguyễn Hữu Huy Hoàng cùng các tân học viên xuất sắc đang chuẩn bị lên đường sang Australia.
Với vòng 2 – phỏng vấn, Hoàng có kinh nghiệm khá hay là kết nối với một người bạn cùng đăng ký học bổng và trở thành “đôi bạn cùng tiến”. Ngoài thúc đẩy, góp ý lẫn nhau khi viết bài luận, hàng ngày, anh đều luyện tập đặt câu hỏi – trả lời cùng người bạn này để rèn luyện sự tự tin, phản xạ. Nhờ đó, Hoàng có sự trôi chảy, linh hoạt khi bước vào vòng phỏng vấn thực sự.
Hiện tại, ngày sang Australia đã rất gần, điều chàng trai 26 tuổi mong đợi nhất là học hỏi được thêm thật nhiều kiến thức chuyên môn trong ngành thủy sản và mối liên kết với các chuyên gia hàng đầu, từ đó thực hiện những dự án giúp đỡ cho sự phát triển của Việt Nam sau này.“Ngành thủy sản Việt Nam đang rất thiếu nguồn nhân lực trẻ, có năng lực. Mình cũng hy vọng có thể là một trong những người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ theo ngành này và thúc đẩy các bạn cải thiện bản thân nhiều hơn”, Hoàng chia sẻ.
Làm nên điểm đặc biệt từ chính câu chuyện của bản thân
Giống với Hoàng, Lò Văn Long, sinh năm 1991, người dân tộc Thái cũng đang chuẩn bị lên đường sang Australia tham gia khóa đào tạo Thạc sĩ theo chương trình học bổng danh giá.
Lò Văn Long nhận chứng chỉ học bổng.
Long hiện làm việc trong lĩnh vực phòng chống mua bán người và bảo vệ trẻ em cho Tổ chức Samaritan’s Purse tại Việt Nam. Trước đó, anh cũng có nhiều năm làm việc tại tổ chức phi chính phủ khác trong lĩnh vực phát triển cộng đồng và bảo vệ trẻ em. Sắp tới, Long sẽ du học ngành Công tác xã hội, Đại học Melbourne.
Những tâm huyết đặc biệt với các hoạt động vì cộng đồng, nhất là trẻ em của Lò Văn Long có lẽ đến từ tuổi thơ đặc biệt của anh.
Long sinh ra trong một bản nghèo tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Năm anh 5 tuổi, bố mẹ ly hôn, anh và 2 người em nhỏ sống cùng mẹ. Mẹ Long vất vả bên ruộng nương, một mình nuôi 3 đứa con ăn học, kinh tế bởi vậy rất khó khăn. Nhiều lần do nộp trễ các khoản thu của trường, Long bị cô nhắc nhở trước lớp, thậm chí suýt bỏ học vì cảm thấy xấu hổ trước bạn bè. Mẹ không có tiền cho Long đi học thêm, có lần, anh đứng ngoài lớp nghe trộm thầy giảng bài rồi bị phát hiện, thầy thấy thương nên đã mời vào học.
Long thừa nhận, anh không phải là người thông minh. Bù lại, anh có sự nỗ lực, cố gắng, kiên trì. Có lẽ vì vậy mà vượt rất nhiều khó khăn, anh thi đỗ rồi tốt nghiệp đại học Khoa học xã hội nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội ngành Công tác xã hội, sau đó giành được học bổng danh giá từ Chính phủ Australia – một chuyện hiếm ở mảnh đất anh sinh ra, nơi những đứa trẻ học hết lớp 12 đã là điều khó.
“Tuổi thơ cho mình nhận ra, một mối quan hệ gia đình lỏng lẻo, không “khỏe mạnh” thì không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng mà ảnh hưởng rất lớn đến an sinh, cuộc sống của trẻ nhỏ. Đó là lý do mình muốn làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội để góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình cũng như là tăng cường mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Gia đình “khỏe mạnh” thì an sinh của trẻ cũng tốt hơn”, Long cho biết.
Trong bài luận gửi đi khi nộp hồ sơ xin học bổng, Long chia sẻ câu chuyện tuổi thơ và động lực của bản thân. Từ đó, bày tỏ mong muốn cống hiến cho quê hương thông qua ngành Công tác xã hội. Theo anh, đây có lẽ chính là điều làm nên điểm đặc biệt trong hồ sơ của mình.
Với vòng phỏng vấn, kinh nghiệm của Long là chuẩn bị thật kỹ câu hỏi cũng như câu trả lời thông qua việc nghiên cứu chính sách của học bổng. Cần tìm hiểu các vấn đề học bổng đặt ưu tiên và chuẩn bị câu trả lời dựa trên những sự ưu tiên đó. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chỉ tìm cách đưa ra câu trả lời mà giám khảo của bên học bổng muốn nghe. Điều quan trọng là cần tìm ra điểm chung giữa thế mạnh của bản thân và những ưu tiên của học bổng, sau đó thể hiện cho ban giám khảo thấy những điểm chung đó trong buổi phỏng vấn.
55 tân học viên Việt Nam nhận chứng chỉ chương trình Học bổng Chính phủ Australia.
Hiện tại, Long đã chuẩn bị gần xong cho chuyến đi sang Australia. Anh tâm sự, mong ước lớn nhất là sau khi du học trở về có thể thành lập một trung tâm công tác xã hội chuyên nghiệp về lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Trong đó, cung cấp các dịch vụ tư vấn về hôn nhân để hỗ trợ những gia đình có nguy cơ ly hôn hoặc vợ chồng chưa hòa thuận; hàn gắn, tăng cường “sức khỏe” của các mối quan hệ trong gia đình, góp phần duy trì hạnh phúc hôn nhân và cải thiện an sinh trẻ em.
“Mình tin gia đình là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới đời sống của cả người lớn, của cả trẻ em. Bởi vậy, mình sẽ nỗ lực để thực hiện mục tiêu này”, Long nói.
===========================================================================================
Kể từ năm 1974 đến nay, Australia đã hỗ trợ xây dựng kỹ năng cho hơn 6.000 công dân Việt Nam thông qua Chương trình Học bổng chính phủ Australia. Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng kỹ năng và năng lực. Các sinh viên nhận học bổng là những lãnh đạo tương lai, những người sẽ giúp tăng cường quan hệ đối tác Australia – Việt Nam và góp phần giải quyết tốt thách thức của quốc gia và khu vực trong tương lai”.
Australia được biết đến là quốc gia có nền giáo dục đẳng cấp thế giới. Ước tính khoảng 25.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Australia năm 2021 và khoảng 70.000 cựu sinh Australia tại Việt Nam.
Mạng lưới này bao gồm các cựu sinh có kiến thức, chuyên môn và tầm ảnh hưởng, với nhiều cựu sinh là những nhà lãnh đạo trong lĩnh vực chuyên môn của họ và có những đóng góp giá trị cho sự phát triển của Việt Nam. Hồ sơ Chương trình học bổng chính phủ Australia nhập học năm 2023 đang được xét duyệt và kết quả tuyển chọn sẽ được công bố vào tháng 8 năm 2022.
===========================================================================================
Nguồn: Nguyen Lien – Dan tri