Lê Xuân Trường, Giảng viên Đại học Mỏ-Địa chất Hà Nội, người đã hoàn thành chương trình Tiến sỹ ngành Địa chất (Chuyên ngành Địa chất Khoáng sản) tại Đại học James Cook đầu năm 2022, theo chương trình Học bổng Chính phủ Australia (AAS). Anh chia sẻ những trải nghiệm phong phú tại Australia của anh và gia đình trong 6 năm qua.
Lê Xuân Trường vinh dự được trao bằng Tiến sỹ ngành Địa chất (Chuyên ngành Địa chất Khoáng sản) tại ĐH James Cook. Ảnh: NVCC
Đây là lần thứ hai anh Lê Xuân Trường du học tại Australia nhưng những trải nghiệm trong lần du học này khác rất nhiều so với lần du học trước (2012-2014). Dù có rất nhiều điều muốn chia sẻ, anh muốn gửi gắm đến các học viên AAS tương lai một số thông điệp mà theo anh quan trọng nhất.
“Chính phủ Úc đã hỗ trợ rất tốt cho các bạn nằm trong chương trình học bổng AAS cả về mặt tài chính, pháp lý, hoạt động xã hội và học thuật, đảm bảo cho du học sinh an tâm học tập và hòa nhập với văn hóa Úc. Hai con của tôi được miễn học phí tại các trường công lập ở Úc. Trong các mặt khác trong đời sống xã hội, có thể nói gia đình tôi được đối xử tương tự như công dân Úc trong thời gian học tập và làm việc tại Úc, ngoại trừ quyền bầu cử,” anh Trường cho biết.
Theo anh, công việc học tập và nghiên cứu tại Úc rất vất vả nhưng đầy thú vị. Là một nghiên nghiên cứu sinh (NCS), công việc thực chất là tự nghiên cứu và học tập với sự hướng dẫn và giám sát của các thầy. Anh đã chủ động bố trí lịch công việc và thời gian làm việc để hoàn thành đề tài nghiên cứu trong thời gian dự tính 4 năm. Nếu gặp khó khăn và cần hỗ trợ thì sẽ được các thầy hướng dẫn giải quyết vất đề. Đồng nghiệp và nhà trường cũng tạo mọi điều kiện thuật lợi để NCS cũng như các sinh viên hoàn thành khóa học của mình ở mức tốt nhất có thể. Nói tóm lại, NCS hoặc sinh viên luôn được coi là trọng tâm của chương trình đào tạo.
Lê Xuân Trường thực hiện mô tả và lấy mẫu khoan thăm dò khoáng sản tại Queensland. Ảnh: NVCC
Về vượt khó trong dịch bệnh, anh chia sẻ: “Dịch bệnh không gây ảnh hưởng nhiều đến chương trình học tập ngoài việc kéo dài thời gian nghiên cứu do phòng thí nghiệm bí đóng cửa một thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ công việc học tập và nghiên cứu.”
Theo anh Trường, mỗi du học sinh có hoàn cảnh riêng và các khó khăn khác nhau nhưng với đa số thì khó khăn lớn nhất chính là việc hoàn thành chương trình học tập đề ra với kết quả tốt nhất có thể. Để vượt qua khó khăn này, cách duy nhất là nỗ lực làm việc và tăng cường trao đổi học thuật với thầy cô, đồng nghiệp và bạn bè quốc tế. Anh thường làm việc 10-12 giờ/ngày, thậm chí 15-16h/ngày giai đoạn chuẩn bị nộp luận án.
Ngoài ra, việc hòa nhập với văn hóa Úc, thích nghi với môi trường đa văn hóa cũng là một khó khăn khác của nhiều du học sinh không chỉ đến từ Việt Nam mà từ nhiều nước khác. Sau khi tốt nghiệp, anh Trường và gia đình chưa về nước được do hạn chế đi lại trong đại dịch, nên có thời gian trải sâu thêm về văn hóa Úc khi được sống và làm việc trong môi trường toàn Úc. “Không phải cứ nói chuyện vui vẻ, giao tiếp bình thường trong công việc là đã hòa nhập tốt được văn hóa Úc. Họ có văn hóa và lịch sử riêng, có những quy tắc ứng xử bất thành văn riêng trong từng góc cạnh của cuộc sống. Nếu hiểu và hòa nhập sâu được thì càng tốt nhưng nếu chưa hiểu và có những sơ xuất thì cũng không sao nếu như chúng ta trung thực và chân thành,” anh Trường chia sẻ.
Về sinh hoạt hàng ngày trong giai đoạn giãn cách xã hội, du học sinh Viêt Nam nơi anh Trường học cũng gặp những khó khăn chung với những nhóm khác tại địa phương khi không được đi làm thêm, khan hiếm cục bộ lương thực và hàng hóa thiết yếu tại một số thời điểm. Tuy vậy, gia đình anh Trường và các học viên Học bổng AAS khác được chính phủ Úc hỗ trợ rất tốt, được hưởng các ưu đãi từ chính phủ Úc tương tự như với công dân Úc trong những thời gian thiên tai, dịch bệnh như hỗ trợ tài chính khi bị lũ lụt (nếu nơi ở bị ảnh hưởng) hoặc khi dịch bệnh xảy ra khiến công việc bán thời gian bị tạm dừng. Nếu chưa thể về nước sau khi hoàn thành khóa học, du học sinh AAS được chính phủ Úc hỗ trợ visa ở lại và sinh hoạt phí như thời gian học tập, hỗ trợ các con ở lại và học tập như thời gian trước dịch.
Ngoài ra, phòng hỗ trợ sinh viên quốc tế và nhà trường cũng có rất nhiều chương trình hỗ trợ những sinh viên gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh như trao thực phẩm miễn phí, tư vấn và giúp đỡ riêng các trường hợp gặp cụ thể gặp nhiều khó khăn.
Có khá nhiều điều Lê Xuân Trường cảm thấy tự hào khi học tập tại Úc, anh chia sẻ: “Với tôi, có hai điều đáng đề cập nhất là: Thứ nhất, vượt qua những rào cản của bản thân, tốt nghiệp và nhận bằng Tiến sỹ tại Úc cùng với các kết quả nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp trí khoa học uy tín của thế giới là điều đáng tự hào nhất của tôi cũng như hầu hết các nghiên cứu sinh tại Úc. Thứ hai là được cùng gia đình trải nghiệm cuộc sống, học tập và làm việc tại một đất nước đẹp và văn minh như Úc trong gần 6 năm.”
Lê Xuân Trường giao lưu cùng du học sinh quốc tế Học bổng AAS tại Đại học James Cook. Ảnh: NVCC
Công việc hiện tại của Lê Xuân Trường là giảng viên ngành địa chất khoáng sản. Dự định của anh thời gian tới là tiếp tục làm việc và đóng góp cho sự phát triển của ngành địa chất khoáng sản ở Việt Nam, cùng tham gia, chia sẻ, trao đổi và học hỏi từ đồng nghiệp trong nước và quốc tế, bao gồm các đối tác Australia, trong lĩnh vực khoa học địa chất. Anh cũng mong muốn chuyển giao thật nhiều kiến thức mới cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh tại Việt Nam.